197/10 Hoàng Văn Thụ, P. 8, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM
English Vietnamese

PHÁT HUY GIÁ TRỊ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG KỲ 1

21-11-2020
Kỳ 1: Mở đầu - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng và nhân dân ta một di sản tư tưởng phong phú và sâu sắc, trong đó có tư tưởng về chính sách lao động. Tư tưởng đó khá bao quát và toàn diện, thể hiện ở những nội dung cơ bản như: chăm lo, tạo việc làm cho người lao động; đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho người lao động; tiền lương cho người lao động; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động; đảm bảo an toàn cho người lao động; giải quyết hài hòa các mối quan hệ lao động… Những nội dung trong chính sách lao động của Người cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn.

Nhận định được những thách thức cũng như ý nghĩa chính trị, xã hội và lợi ích của công tác bảo đảm an toàn lao động trong phát triển kinh tế - xã hội, ngay từ những ngày đầu thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 29/SL ngày 13/3/1947 về vệ sinh và bảo an cho người lao động. Cụ thể: “Công nhân hay thợ học nghề làm trong các giếng mỏ, các ống dẫn hơi, các ống khói, các chuồng tiêu, các thùng máy chứa chất độc, v.v... đều phải có những dụng cụ thích hợp để bảo vệ sinh mệnh và tránh tai nạn”(*)
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý đảm bảo an toàn lao động cho các đối tượng đặc biệt như: công nhân hầm mỏ, phụ nữ và trẻ em… Vì thế, phải quy định rõ “những công việc coi là nguy hiểm, quá sức đối với đàn bà trẻ con để cấm họ không được làm”(*); phải có “Những thể lệ đặc biệt cho phép đàn bà, trẻ con làm trong các sở có hại cho sức khoẻ hay nguy hiểm vì phải gần những chất hay hơi độc, với những sự bảo vệ cần phải có cho họ”(*). Những công nhân làm công việc dưới hầm mỏ, với điều kiện đặc biệt nguy hiểm cũng phải có “Thể lệ riêng về việc bảo vệ sức khoẻ và sinh mệnh cho công nhân các hầm mỏ”(*); những công nhân, người lao động làm việc ở vùng sâu, vùng xa, “Ở các vùng có bệnh sốt rét rừng, chủ phải chịu phí tổn về việc đề phòng bệnh này mà phát thuốc cho công nhân không lấy tiền”(*)…
 
Để đảm bảo an toàn cho người lao động, Người chỉ rõ: “Những nơi làm việc phải rộng rãi, thoáng khí và có ánh nắng mặt trời. Những nơi làm việc phải cách biệt hẳn những nhà tiêu, những cống, rãnh, để tránh mùi hôi tanh” (*). Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để hạn chế được tai nạn lao động đến mức thấp nhất. Người cho rằng, một trong những biện pháp tích cực nhất là xây dựng các chính sách đảm bảo an toàn cho người lao động và giáo dục ý thức bảo đảm an toàn lao động cho mọi người và làm cho mọi người hiểu được mục đích, ý nghĩa của công tác bảo đảm an toàn lao động.
 
Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta đã trải qua cuộc đời người thợ với nhiều nhọc nhằn, khổ cực. Do vậy đối với người lao động, giai cấp công nhân, Bác đã có một tình cảm yêu thương đặc biệt, dành nhiều thời gian cho việc xây dựng giai cấp công nhân. Chính vì thế, dù bận trăm công, nghìn việc hay lúc tuổi đã cao, sức đã yếu Bác vẫn thường xuyên đi đến các công trường, nhà máy, hầm mỏ để chuyện trò, giáo dục, hướng dẫn, dìu dắt giai cấp công nhân, với tình cảm yêu thương bao la, là những mong muốn mãnh liệt trong việc xây dựng một giai cấp tiên phong, tiên tiến, hiện đại, tiêu biểu cho đất nước, dân tộc. Cho đến phút cuối đời, Bác vẫn dành trọn vẹn niềm tin sắt đá vào bản lĩnh, sức mạnh của giai cấp công nhân, bởi vì hơn ai hết, Người hiểu sâu sắc rằng: Tương lai và tiền đồ dân tộc phụ thuộc phần lớn vào giai cấp tiên phong này.
 
Sau đây xin được nêu những cảm nghĩ của người làm công tác an toàn vệ sinh lao động qua tư tưởng Hồ Chí Minh với công tác an toàn vệ sinh lao động.
 
Phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác An toàn vệ sinh lao động
 
Nội dung Tư tưởng Hồ Chí Minh đối với công tác chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an toàn cho người lao động
 
Một là, con người là vốn quý nhất của xã hội, chú trọng bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khoẻ người lao động.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam mà đội quân tiên phong của Đảng là giai cấp công nhân. Ngoài việc chú trọng nâng cao vai trò, nǎng lực và tính tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, Người còn quan tâm đến việc chǎm lo, bảo vệ sức khoẻ cho đội ngũ công nhân và nhân dân lao động nước ta. 
 
Cho nên, kể từ khi miền Bắc nước ta bước vào thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa cho tới khi Bác đi xa, mặc dù bận trǎm công nghìn việc với cương vị là Chủ tịch nước, Bác Hồ vẫn dành nhiều thời gian đi thǎm hỏi và chỉ bảo cán bộ, công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp và luôn quan tâm tới công tác chăm sóc sức khỏe và bảo vệ tính mạng cho người lao động.
 
 
Bác Hồ đến thăm công nhân nhà máy xe lửa Gia Lâm năm 1959 (Ảnh: Bảo tàng lịch sử Quốc Gia)

Bác Hồ đến thăm công nhân nhà máy xe lửa Gia Lâm năm 1959 (Ảnh: Bảo tàng lịch sử Quốc Gia)
 
 
 
Ngày 30/5/1957,  Bác đã căn dặn với công nhân thuỷ thủ tàu HC.15 Cảng Hải Phòng: "Phải giữ gìn an toàn con người, an toàn cho bến cảng"[1]. Ngày 25/12/1958, khi đi thăm nhà máy Cơ khí Hà Nội, Hồ Chủ tịch đã nói: "Phải bảo đảm an toàn lao động, vì người lao động là vốn quý nhất"[2]. Tại Hội nghị cán bộ Công đoàn, ngày 12/3/1959, Bác một lần nữa nhấn mạnh: "Nhiều nơi thiếu giáo dục công nhân về kỷ luật lao động, về ý thức làm chủ và về bảo hộ lao động. Một số nơi để xảy ra tai nạn lao động, điều đó rất đáng tiếc. Chúng ta phải biết quý trọng con người, nhất là công nhân, vì công nhân là vốn quý nhất của xã hội. Chúng ta cần phải hết sức bảo vệ, không để xảy ra tai nạn lao động"[3].
 
Ngày 30/3/1959, khi nói chuyện với cán bộ và công nhân công trường Đèo Nai, Cẩm Phả, Bác đã căn dặn: "Một công nhân bất kỳ nam hay nữ đều rất quý báu, chẳng những quý cho gia đình các cô, các chú mà còn quý cho Đảng, Chính phủ và nhân dân nữa. Nếu để xảy ra tai nạn lao động là thiệt chung cho bản thân, gia đình, cho Đảng, Chính phủ và nhân dân. Người bị nạn không đi làm được, gia đình sẽ gặp khó khăn, sức lao động của nhân dân do vậy sẽ sút kém. Vì thế chúng ta phải hết sức bảo vệ an toàn lao động, bảo vệ tính mạng người công nhân"[4].
 
Tại Đại hội Chiến sĩ  thi đua Công nghiệp, ngày 11/3/1960, Bác đã nói: "Thi đua làm nhiều nhanh, tốt rẻ, phải đi đôi với đảm bảo an toàn lao động, phải biết quý trọng con người".
 
Hai là, doanh nghiệp, người quản lý, người lao động phải nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật lao động, đảm bảo an toàn, giữ gìn vệ sinh nơi làm việc, thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động.
 
Về vấn đề chấp hành kỷ luật lao động, Khi đi thăm Nhà máy Dệt Nam Định (24/4/1957) Bác đã nêu những vấn đề rất cụ thể: "Thí dụ: khi Bác vào thăm nhà máy thấy bụi bông bay nhiều. Công nhân hít phải nhiều bụi, như thế không hợp vệ sinh. Bác có hỏi: Sao không làm vải che mồm? Đồng chí giám đốc trả lời: đã làm, nhưng chị em phụ nữ không thích đeo vì sợ mất duyên dáng và không ăn trầu được. Như thế là không đúng, không giữ được vệ sinh, sẽ mắc bệnh, phải đi bệnh viện, tốn thuốc lại bỏ sản xuất"[5]. Ngay sau đó, trong lời kêu gọi nhân dịp 1-5-1957, Bác đã nhấn mạnh: "Các xí nghiệp, các cơ quan, các trường học, các đoàn thể... phải tăng cường kỷ luật lao động"[6].
 
Ngày 30/5/1957, khi đến thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy xi măng Hải Phòng, cuối cùng Bác đã nhắc mọi người thực hiện 5 điều, trong đó điều thứ 3 nêu rõ: "Phải tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật lao động"[7].
 
Ngày 01/01/1964, Khi nói chuyện với đồng bào tỉnh Thái Nguyên và công nhân khu gang thép Thái Nguyên, Bác đã dặn 10 điều mà cán bộ và công nhân cố gắng thi đua thực hiện cho tốt, trong đó có đoạn: "Phải giữ gìn tốt máy móc, làm việc phải đúng nội quy. Phải thực hiện tốt bảo hộ lao động. Kỷ luật lao động phải thật chặt chẽ"[8].
 
Ngày 2/2/1965, tại Quảng Ninh, Bác đã nói: "phải thực hiện tốt bảo hộ lao động, phải chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các cán bộ và công nhân", "Chỗ ở tập thể phải giữ gìn vệ sinh", "Phải giữ gìn kỷ luật lao động", "Cán bộ và công nhân cần chú ý ăn, ở cho sạch sẽ, đúng vệ sinh để giữ gìn sức khoẻ"[9].
 
An toàn, vệ sinh lao động là nội dung chủ yếu của công tác bảo hộ lao động. Nếu để mất an toàn sẽ có nguy cơ gây tai nạn lao động. Bác đã nói: "phải nâng cao kỷ luật lao động, kỷ luật sản xuất, đảm bảo an toàn lao động"[10] "các xí nghiệp phải chú ý hơn nữa việc cải thiện đời sống cho công nhân và đảm bảo an toàn lao động"[11].
 
(Còn nữa)

ThS. Nguyễn Anh Thơ, ủy viên BCH Đảng bộ
 Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động
Theo Cục An toàn lao động 

((*) Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa: Sắc lệnh số 29/SL ngày 12/3/1947)
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2002, tập 8, trang 365
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2002, tập 9, trang 277
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2002, tập 9, trang 373
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2002, tập 9, trang 391, 392
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2002, tập 8, trang 337
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2002, tập 8, trang 349
[7] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2002, tập 8, trang 364
[8] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2002, tập 11, trang 192, 193
[9] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2002, tập 11, trang 381, 384.
[10] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2002, tập 10, trang 51.  
[11] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2002, tập 10, trang 162.
 

Messenger Zalo