197/10 Hoàng Văn Thụ, P. 8, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM
English Vietnamese

Lao động trẻ có nguy cơ cao hơn 40% bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

02-07-2018

Chiều 16/4, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức Diễn đàn đối thoại “Vì một thế hệ lao động an toàn và khỏe mạnh: Cải thiện điều kiện an toàn vệ sinh lao động cho lao động trẻ”.

 

Diễn đàn có sự tham gia của đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đại diện ILO các đại diện các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức đại diện người sử dụng lao động, người lao động và đông đảo các sinh viên đến từ các trường Đại học Lao động – Xã hội, Công đoàn, Giao thông – Vận tải, Ngoại thương, Y tế công cộng…

 

 

Ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động phát biểu tại Diễn đàn

 

Ngày thế giới An toàn và Sức khỏe 28/4 năm nay với chủ đề “Vì một thế hệ lao động an toàn và khỏe mạnh”, Tổ chức ILO đã phát động một chiến dịch nhằm thúc đẩy hành động để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững hướng tới mục tiêu tạo môi trường làm việc an toàn và an toàn cho tất cả người lao động vào năm 2030, trong đó nhấn mạnh đến thế hệ lao động trẻ và mục tiêu loại bỏ các hình thức lao động trẻ em bất hợp pháp vào năm 2025.

 

 

Các đại biếu tham dự

 

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động bày tỏ mong muốn: “Thông qua diễn đàn này, chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi thông tin, kiến thức và kinh nghiệm để nâng cao nhận thức, thúc đẩy cải thiện điều kiện làm việc cho lao động trẻ. Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn đại diện những người lao động trẻ chia sẻ những khó khăn, thách thức của các bạn trong việc tiếp cận một môi trường làm việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cũng như đề xuất những kiến nghị, giải pháp để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia về ATVSLĐ có thêm kênh thông tin, từ đó nghiên cứu  xây dựng những kế hoạch hành động, hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm thúc đẩy thực thi công tác ATVSLĐ hơn nữa vì một thế hệ lao động trẻ an toàn và khỏe mạnh vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và quốc gia”.

 

 

Các đại biếu tham dự

 

Theo ước tính của ILO, hàng năm có khoảng trên 2,3 triệu người chết liên quan đến thương tích và bệnh nghề nghiệp, trong đó có khoảng trên 350.000 người chết do tai nạn lao động và khoảng 2 triệu người chết do bệnh nghề nghiệp. Ngoài ra, hơn 313 triệu người lao động gặp phải tai nạn lao động tuy không gây tử vong, nhưng cũng để lại thương tích nặng nề và mất đi khả năng lao động.

 

 

Hiện nay, thế giới có 541 triệu người lao động trẻ tuổi (15-24 tuổi) – trong đó, bao gồm 37 triệu lao động trẻ em.  Lao động trẻ chiếm hơn 15% lực lượng lao động trên thế giới và có nguy cơ cao, phải chịu các tai nạn thương tích và bệnh nghề nghiệp cao hơn 40% so với những người trên 25 tuổi.

 

Nhiều yếu tố có thể làm tăng tính dễ tổn thương đối với thanh thiếu niên, chẳng hạn như giai đoạn phát triển thể chất và tâm lý, thiếu kinh nghiệm làm việc và thiếu đào tạo, huấn luyện, nhận thức hạn chế về các mối nguy hiểm liên quan đến công việc và thiếu khả năng thương lượng điều đó có thể dẫn đến những người lao động trẻ chấp nhận những nhiệm vụ nguy hiểm hoặc những công việc có điều kiện làm việc không đảm bảo an toàn.

 

 

Ngoài ra, trong nông nghiệp, lao động trẻ và người sử dụng lao động trẻ vẫn chưa có hiểu biết về các bước cần thực hiện để giảm bớt rủi ro trước tác hại lâu dài của thuốc trừ sâu, hóa chất bảo vệ thực  vật và các mối nguy hại khác. Ở các làng nghề, người sử dụng lao động thường đánh giá thấp nguy cơ phát sinh từ những máy móc không được bảo dưỡng, bảo trì đầy đủ và nhu cầu về thiết bị bảo hộ. Nhiều lao động trẻ tin rằng họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự cố liên quan đến công việc. Tương tự, người sử dụng lao động cũng không cần phải quan tâm đến an toàn và sức khỏe nghề nghiệp vì chưa bao giờ xảy ra tai nạn nghiêm trọng tại nơi làm việc của họ. 

 

 

 

Là một quốc gia có đông lao động trẻ trong độ tuổi từ 15 đến 24 tuổi, Việt Nam cũng đã ban hành những chính sách, quy định hướng tới việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho lao động trẻ như quy định doanh nghiệp, người sử dụng lao động có trách nhiệm huấn luyện ATVSLĐ cho lao động mới vào làm việc, lao động học nghề tập nghề; quy định về việc bảo đảm an toàn lao động cho đối tượng lao động làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động (phi kết cấu) nơi thường có nhiều lao động trẻ tự lập nghiệp, hoặc làm việc trong các ngành nghề nông, lâm, ngư nghiệp… Mặc dù vậy, chúng ta cũng đã và đang phải đương đầu với những thách thức và tồn tại trong ngăn ngừa và giảm thiểu tai nạn lao động nói chung và trong lao động trẻ nói riêng, trong đó bao gồm cả thách thức trong vấn đề nâng cao nhận thức, kỹ năng và hiểu biết về việc tuân thủ các quy định ATVSLĐ của lao động trẻ.

 

Diễn đàn đã giành thời phần lớn thời gian để trao đổi thông tin đa chiều giữa các sinh viên, chuyên gia đến từ Cục An toàn lao động, Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Xây dựng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và đại diện một số Tập đoàn, doanh nghiệp, viện nghiên cứu… Chủ đề trao đổi xoay quan các vấn đề nhận thức, hành động về ATVLĐ của lao động trẻ, chia sẻ kinh nghiệm triển khai các hoạt động nâng cao hiểu biết về ATVSLĐ của đoàn thanh niên Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nhóm sinh viên với các hoạt động thiết thực như tổ chức huấn luyện, hội thảo, lập trang xã hội chia sẻ kiến thức ATVSLĐ cho lao động trẻ….

 

Cũng tại diễn đàn, bà Valentine  Effenlok– chuyên gia ILO Geneve – Thụy Sỹ  đã trình bày Kế hoạch hành động thúc đẩy ATVSLĐ cho lao động trẻ với chương trình hành động gồm nhiều hoạt động cụ thể từ huấn luyện nâng cao nhận thức, tới hoàn thiện chính sách pháp luật, đẩy mạng nghiên cứu, ưu tiên các các hoạt động bảo đảm ATVSLĐ cho lao động trẻ tại các doanh nghiệp, khuyên khích lao động trẻ báo cáo các vấn đề ATVSLĐ của mình… Trên cơ sở các khuyến nghị này, các đại biểu đã cùng thảo luận, trao đổi về các hoạt động thiết thực hướng tới lao động trẻ cần triển khai trong thời gian tới.

 

Đoàn Việt Dũng


Messenger Zalo